Cuộc đời là những chuyến đi … dài

I go where science takes me and I lucky have a family with me all the time

Leonardo da Vinci (1): Những cuốn sổ tay

Posted by Huy Q. Dinh on December 28, 2019

Leonardo da Vinci có lẽ là một trong những người toàn tài nhất trong lịch sử loài người. Ảnh hưởng của ông vô cùng rộng lớn, những ý tưởng, thiết kế của ông đặt nền móng cho khoa học, công nghệ và nghệ thuật xuyên suốt từ thời đại Phục hưng cho châu Âu cho đến tận bây giờ. Gọi ông là một nhà khoa học hay một kỹ sư vĩ đại đều đúng cả nhưng có lẽ da Vinci nổi tiếng nhất với chúng ta như là một hoạ sĩ bậc nhất, một thiên tài hội hoạ. Hai bức tranh nổi tiếng của ông, nàng Mona Lisa và Bữa tối cuối cùng được coi là hai trong số những tác phẩm hội hoạ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Water Isaacson, người viết tiểu sử nổi tiếng với những tác phẩm mô tả cuộc đời của Albert Einstein và Steve Jobs, đã khắc hoạ tiểu sử và cuộc đời của con người được coi là người sáng tạo nhất từng sống trên trái đất này trong cuốn sách xuất bản năm 2017. Cuốn sách là món quá Noel bà xã tặng tôi, và dưới đây là những ghi chép tôi học được từ cuốn sách. Tôi có thói quen tệ là đọc sách kiểu này không theo thứ tự, tôi đọc vài phần, thích thì đọc tiếp không thì bỏ đọc cuốn khác rồi quay lại, vì vậy nhưng ghi chép của tôi không theo trình tự trang sách.

Chương 5: Những cuốn sổ tay của Leonard da Vinci 
Da Vinci có thói quen ghi chép có hệ thống từ truyền thông gia đình vốn là những người ghi chép thuế (notary). Cuộc đời của ông và những bí ẩn đằng sau những tuyệt tác ông để lại với đời được khôi phục và biết đến một phần nhờ những cuốn sổ này. Mỗi khi đi đến một nơi mới, ông quan sát con người, cuộc sống và ghi chép lại cách họ sinh hoạt đối xử với nhau. Trước khi vẽ một bức tranh, ông xem xét tình thế xã hội và cảm xúc, ghi chép lại nó trong cuốn sổ tay mà ông luôn đeo ở thắt lưng. Những cuốn sổ tay, hay còn gọi là zibaldone trong tiếng Ý, hay được người La Mã cổ có học hành đem theo để ghi chép, tuy nhiên nội dung những cuốn sổ tay của da Vinci thì có lẽ là độc nhất bởi những ý tưởng đi trước thời đại có lẽ chỉ có trong đầu của một thiên tài như ông. Trong những cuốn sổ tay này người ta cũng tìm thấy những ý tưởng khoa học và công nghệ như những loại máy móc mà ông tưởng tượng ra từ thế kỷ 15 mà phải mãi đến thế kỷ 19-20 người ta mới phát minh ra nó như máy bay, động cơ tàu, … Tỷ phú Bill Gates là một trong những sở hữu của người may mắn sở hữu một trong những bản viết tay này.


Ngày nay người ta tìm ra khoảng 7,200 trang viết tay của da Vinci, và ước tính nó khoảng 1/4 những gì ông đã từng viết (và nó nhiều hơn những email và giấy tờ điện tử mà Steve Jobs từng viết trong những năm 90s, theo tác giả). Một điều bí ẩn là da Vinci thường ít khi ghi lại ngày tháng trên những trang viết tay của mình. Một điều thú vị nữa là giấy viết thời đó còn đắt đỏ nên da Vinci tận dụng từng tí một trong sổ tay của mình, ông viết ra ngoài lề và trên từng góc cạnh của một trang giấy. Ban đầu ông viết về những thứ mà ông coi là có ích cho công việc của mình, sau đó ông viết theo trí tò mò bới ông không chỉ quan tâm đến mọi thứ hoạt động như thế nào mà còn tò mò nguyên lý vì sao nó lại thế. Vẻ đẹp của những cuốn sổ tay này là nó bao gồm rất nhiều ý tưởng dang dở (half-finishes ideas) thể hiện thiên tài tưởng tượng vượt thời gian của da Vinci, một điều mà người quan tâm hội hoạ cũng biết là rất nhiều bức tranh của da Vinci đều dang dở, có lẽ ngoại trừ Mona Lisa bởi nó hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ. Albert Eistein đã từng nói “Imagination is more important than knowledge.” (Tạm dịch : trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức, bởi kiến thức đưa ta từ A đến B còn trí tưởng tượng đưa ta đến bất cứ nơi nào ta muốn. 


Một trong những đặc điểm nổi bật trong những cuốn sổ tay của da Vinci là lượng thông tin ông đưa vào chỉ trong một trang giấy. Những nét vẽ của ông không đơn giản chỉ mang tính trừu tượng như những hoạ sĩ khác mà nó được khắc hoạ dưới sự tính toán chi tiết và tỉ mỉ. Những gạch nối giữa các đối tượng trong bức vẽ thường thể hiện sự tương quan hình học không gian và sự tương đồng giữa các đối tượng, ví dụ như giữa các loài thực vật và con người mà sau này khoa học di truyền chỉ ra. Người ta cũng tìm ra một trang sổ tay, da Vinci viết công thức nhuộm tóc, được viết bởi da Vinci khi ông bước qua tuổi 30 và tóc đã bắt đàu ngả màu xám.

(còn nữa)

Leave a comment